Bài 17
CHÚA GIÊ-SU & TRƯNG NỮ VƯƠNG
Trần Xuân An
bao giờ thật đúng xưa xa
Giê-su phản đế, Xê-da hãi hùng
nhi đồng, La Mã săn lùng (1)
đóng đinh, lo đế quốc lung lay dần
biến Giáng sinh thành cầu an
Phục sinh thành vọng Thiên đàng xa xôi
hai ngàn năm xuyên tạc rồi
còn đau La Mã sửa lời Thánh kinh!
kính Ngài, lòng chẳng vô minh
bằng tâm thức sử, ngẫm hình tượng thiêng
đã thành tôn giáo, trước tiên
xin thuần khiết, tránh và kiêng chính trường
đêm nay, kính nhớ Trưng vương (2)
cùng một thuở, mãi khói hương bi hùng!
mong nghe trống trận vang lừng
giáo đường, sử Việt hát cùng Thánh ca
sử Do Thái toả rộng xa
hát sử Việt, giáo dân ta vẫn mình
ước chi Giáng sinh, Phục sinh
gươm Trưng vương sáng trung trinh giáo đường!
T.X.A.
24-12-2016
.
(1) – Đế quốc La Mã (tồn tại từ năm 27 tCN. đến năm 1453 sCN.; bắt đầu Thiên Chúa giáo hoá từ đời vua Constantinus I, ở ngôi 306-324 sCN.).
– Giặc tay sai Roma sát hại nhi đồng, do tên vua tay sai Herodes (Hê-rô-đê) tiến hành. Nguyên nhân là do các vị chiêm tinh tới chiêm bái Chúa Giê-su hài đồng và do lời tiên tri như sau:
“Hỡi Bêt-lê-hem, đất Giu-đa!
Thật ngươi chẳng phải kém gì các thành lớn của xứ Giu-đa đâu,
Vì từ ngươi sẽ sinh ra một tướng
Là Đấng chăn dân Y-sơ-ra-ên, tức dân ta”
(Ma-thi-ơ, 2:6).
Tướng, người cầm đầu những cuộc chiến đấu.
– Sự tích Lễ các thánh anh hài (28-12 hàng năm, sau ngày Chúa giáng sinh 3 ngày)
– Xem thêm:
https://www.facebook.com/tranxuanan.writer/posts/ ——– 1805047523102524
(2) Hai nhân vật lịch sử cùng thời: Giê-su (Jésus, 7? 2? tCN. – 30? sCN.); Trưng Trắc (?-43 sCN.).
Bài 18
ĐỂ KHỎI ĐẠI NGU (*)
Trần Xuân An
“sao cho tận thôn cùng xóm vắng
không còn tiếng sầu hận oán hờn”
nay lễ nhạc chiến tranh, hậu chiến
“triệu người vui”, “triệu người buồn” hơn
Nguyễn Trãi từng nghe cha, hàng giặc (**)
cha Đặng Dung có thời ngụy quan
lòng yêu nước trăm đường khuất khúc…
máu Việt thấm hai cờ đỏ, vàng
Nguyễn Trãi phục Đặng Dung bi tráng?
lính Hậu Trần ẩn khuất dân gian
quân Ly ghét y, nhưng kháng chiến
họ ra sao, khi Lê đăng quang?
Nguyễn Trãi chống vua chăng, thuở đó?
Võ Văn Kiệt thành phản động chăng?
“Giữa thuở chuyển mùa”, mùa chậm chuyển
người trung thực nào cũng nạn nhân!
bản thảo, tự xuất bản, bi thảm
khi không, thành những đứa con hoang?
kế hoạch quấy rối cả sách mạng
làm sao hoà giải được lòng dân?
không hoà giải, chỉ cần bức hiếp?
không hoà giải, kích thêm hận thù?
Nguyễn Trãi, Võ Văn Kiệt sống lại
cũng hoà giải, nước khỏi “Đại Ngu”.
T.X.A.
06:01 – 07:45, ngày cuối năm HB16, 31-12-2016
.
(*) Ý thức hoài vọng cố quốc của Hồ Quý Ly (Đất Ngu bên Tàu).
(**) Theo Phan Huy Chú, “Lịch triều hiến chương loại chí”.
.
Bài 19
CHIẾC CẦU TRUYỆN VÀ THƠ
Trần Xuân An
phím bút làm cầu Hiền Lương
giữa hai làn đạn, vẫn thương đôi bờ
sông Bến Hải trong tâm chờ
dạ thưa, khắp nước, đều chưa có cầu
cầu hai phía súng, sông đau
cầu hoà giải thật, còn lâu, ơi à…
sông Bến Hải trong thịt da
cầu Hiền thơ truyện bắc qua hồn người (1)
cuối năm, phím bút chơi vơi
chi cũng mục, nâng chân đời, cầu thơ?
nâng đời, cầu truyện? Ầu ơ…
ru bằng phím bút trông chờ khai sinh (2)
cuối năm ta tự đùa mình
hỏi cầu ý hệ, hoà bình hay chưa?
T.X.A.
07-01-2017 (Bính thân HB17)
(1) “Mùa hè bên sông” (tiểu thuyết,1997 & 2003); “Để lòng người thôi trầm uất” (tập thơ, 2015); “Sáng đều hai nửa gương mặt” (truyện vừa, gồm sáu truyện ngắn cùng nhân vật, 2014, 2015); “Cầu Ý Hệ” (tập thơ, 2015, 2016) là 4 đầu sách tác giả viết về đề tài này. Cả bốn đầu sách này đã được công bố từ lâu, hiện ở dạng sách điện tử (e-book, PDF) trên các điểm mạng của Trần Xuân An.
(2) Trông chờ được cấp giấy phép để xuất bản với dạng sách giấy.
.
Bài 20
KHÁC NHAU VẪN THÂN
Trần Xuân An
1
nỗi đau dân mình, chiến tranh, hậu chiến
cái chết nát tan, nhà đất trắng tay
vết thương tâm hồn, tâm linh, nhân phẩm
chút quyền sống cũng bên kia, bên này
hai phía ngoại xâm, người dân kẹt giữa
độc lập nghiêng, đau Hoàng Sa, Trường Sa
kinh tế phải thật, còn đuôi ảo vọng
do ảo vọng, một thực dân thành ba!
2
cả trí thức cũng ăn mày dân chủ
dân chủ nước mình trên Facebook ai?
quyền phân giải? Nhưng thắng không hoà giải
thắng giẫm đạp, bưng bít, sao lâu dài?
bút không bỏ quyền công dân, ở ẩn
chức quyền sợ hoà giải, rõ lòng dân
thời trái đất sống chung nhiều chủ kiến
hậu chiến nước mình, khác nhau vẫn thân
3
định nghĩa lại chăng chiếc đuôi ảo vọng
nước vẫn toàn dân ưu ái dân nghèo
nghèo cũng có áo cơm và thuốc uống
học hành phải đâu bong bóng cao treo! (*)
hạnh phúc lớn nhất là quyền được khác
ngẩng mặt, lam, ngẩng mặt, đỏ hay vàng
thôi cuồng tưởng nhuộm một màu độc nhất
nỗi đau chiến tranh, hậu chiến nhẹ dần.
T.X.A.
06:18 – 08:30, 13-01-2017 (HB17)
(*) Hồ Chí Minh (1946): “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Bài 21
CỔ NGUYỆT ĐƯỜNG, CHIẾT TỰ
Trần Xuân An
gợi hồn du mục, dải thịt dưới cổ bò xinh, đong đưa (*)
treo trước ngõ nhà không đẹp
Hồ Xuân Hương nhìn họ mình thành mảnh trăng xưa
cải tộc tính, như phận đàn bà đâu chịu lép
chẳng dính gì thái thú và đẫm máu ngai vua
bi thiết cái quẫy mình quá đà, vượt qua khuôn phép
mỗi bài thơ, mỗi sằng sặc cười, mỗi khóc như mưa.
T.X.A.
sáng 18-01-2017 (HB17).
.
(*) Cải “cổ + nhục (thịt)” thành “cổ + nguyệt (trăng)”.
.
ĐÃ ĐĂNG TẤT CẢ TRÊN FACEBOOK TRẦN XUÂN AN