Bài 1
ĐÊM NAY, TRĂNG MỌNG NHẤT
Trần Xuân An
1
chín và tươi nhất, rất duyên
sáng ngời mê hoặc, dù thiêng vơi rồi
cũng thân cát bụi đó thôi
nhưng nơi em, ấm; trăng vời vợi trăng
nơi em, thiêng áo thiêng khăn
trăng trời xa, trăng cố gần vạn nơi
tình riêng, riêng mới tuyệt vời
trăng thiên nhiên chỉ ngắm người yêu nhau
không đâu! trăng riêng niềm đau
mãi quanh trái đất, chạm vào, vỡ tan
tình trăng riêng vẫn mênh mang
trăng, tình mộng? Nơi em, chăn chiếu nồng
2
nốt ruồi em: trăng của chồng
đêm nay thơm quả trăng hồng xinh tươi
chàng ngậm trái đất, mặt trời
thu vũ trụ vào đôi môi tình bền
tuổi nào, trăng – nốt ruồi đen
trên da thịt lụa, như nền mây non
tuổi nào, trăng – nốt ruồi son
môi mơn man mãi không mòn của em
vợ chồng, nắng tắt cho đêm
nốt ruồi trăng sáng, nhân thêm tỉ lần
mùa đông, môi ướt lập xuân
cũng nhân lên với vô vàn chứ sao!
3
hai người ngẩng ngắm trời cao
thương trăng, trái đất, được bao dịp gần!
thật ra, quãng cách bị nhân
thu nhỏ lại, như người trần, ôm nhau
trăng lòng Hằng mãi xưa sau
khắc đa và Cuội, cũng màu trần gian
Cuội đứng đây, cúi môi chàng
Hằng kề bên, nốt tròn trăng ngực bồng
hạ nguyên hiếm, nghĩ mênh mông
chỉ nốt ruồi hoá trăng hồng kề môi!
áp vào nhau vẫn hai thôi
vẫn còn khí quyển giữa đôi vợ chồng.
T.X.A.
13:17 – 15:28, 16-11-2016
(rằm hạ nguyên, tháng 10 Bính Thân HB16)
Bài 2:
THƠ TRÊN ĐƯỜNG PHỐ
NGUYỄN PHI KHANH (*)
Trần Xuân An
nhà giáo ấy làm thơ tỏ tình
quên bẵng chữ thánh hiền ngàn năm nô lệ
thốt lời trái tim bằng thẳm sâu tiếng mẹ
hàn sĩ vượt lên giai tầng, rót vào tim công nương
để cưới được cô gái học trò quyền quý mình thương
chàng dám đưa đầu ra trước đao gông lễ lí
chấp nhận cuốc cày, rồi cam đành hư vinh tiến sĩ
trái tim thách thức mọi lề luật bất công?
có điều, phải chăng bởi tình vợ chồng
chàng theo nhạc phụ, bất trung triều cũ?
đánh giặc ngoại xâm, lại đầu hàng, cúi rũ
có phải như thời là thầy giáo say đắm học trò?
ông chỉ còn được ghi ơn trong sử sách: nhà thơ
mọi phẩm giá, gió yêu đương lùa lấm bụi
đứa con trai anh hùng về sau, không vơi buồn tủi
nếu cha không dặn dò con khôi phục nước non
sử không ghi, tay chịu trói nhưng lòng vẫn son
nghe đâu, bị giải qua Tàu, nhưng không chết rục
được thả về, ẩn cư, thầm lặng dạy con bất phục
khuyên tìm minh chủ, gọi dân quét sạch ngoại xâm?
nồng cháy yêu đương nhưng còn sáng tâm
thách thức tất, và lạ lùng thay, cả nghĩa khí
nhưng còn bền như nước là lòng kẻ sĩ
mãi là cha, là thầy giáo của Nguyễn Trãi rạng ngời?
thuở tôi dạy học, có chuyện tình ông trong giáo án tôi
gần bốn mươi năm, soi gương lại
sách tôi viết, ước ông và Nguyễn Trãi chỉ ra vụng dại
chắc là không! Và cũng mừng, không vấp lỗi ông xưa
thời đại ông bão táp, gió mưa, nòi cỏ – dòng vua
thời tôi sống cũng bão táp, gió mưa, nhưng hình như hừng nắng
sợ lòng ai cay đắng
chỉ mừng mình không vấp lỗi ông xưa.
T.X.A.
07:20 – 09:01, 18-11-2016 (HB16)
Nhân Ngày Nhà giáo, 20-11
(*)
Nguyên có nhan đề là “Kẻ sĩ ấy chỉ còn
tình yêu dấu học trò, lòng thao thức vì Đất nước”.
Bài 3
NGÀY NHÀ GIÁO
Trần Xuân An
nguyên đán, ơn ghi, truyền sáng chữ
đoan dương, công khắc, dạy nên người
Hiến chương Nhà giáo, đâu dân chủ
hoa dập Nhân quyền bao bó tươi!
T.X.A.
sáng sớm 20 & 21-11-2016
Bài 4
THƠ TẶNG BẠN HỌC BÁN THÂN BẤT TOẠI
Trần Xuân An
hình tượng đất nước sau chiến tranh
nửa mạnh lên, nửa bỗng dưng bại liệt
bi kịch là thương yêu cả đôi bên, tha thiết
bên nào cũng máu thịt của mình!
T.X.A.
08:01 – 08:44, 22-11-2016 HB16
Bài 5
HỎI CẦU Ý HỆ
Trần Xuân An
có người bị đẩy ra, qua cầu
ông lén bơi vô, tên độc bắn
bốn đất nước giống Hiền Lương hận
những xác Vũ Anh Khanh vùi đâu?
“Tha La xóm đạo” dù khác nhau
thương Vũ Anh Khanh và Bến Hải
gió trách chi cờ bay phải, trái
chỉ hồn dân tộc liền xưa sau.
T.X.A.
15:12 – 17:08, 22-11-2016 HB16
“Tha La xóm đạo” là bài thơ dài hơn 90 câu (khoảng 92 hoặc 97 câu?), có nhiều dị bản. Chung quy, nội dung là phản ánh và vận động giáo dân Thiên Chúa giáo tại Tha La, thuộc tỉnh Tây Ninh, gác lại tôn giáo, tham gia kháng chiến chống Pháp tái xâm lược sau Cách mạng Tháng Tám.
Theo “Từ điển văn học”, bộ mới, Nxb. Thế Giới, 2004 (mục từ do Nguyễn Q. Thắng viết, tr. 2017 – 2018): Quê quán Vũ Anh Khanh (1926-1956) là Phan Thiết. Trước 1949, ông viết sách, làm báo có khuynh hướng yêu nước, chống Pháp ở Sài Gòn. 1950, lên chiến khu. 1954, tập kết ra Bắc. 1956, chết tại Quảng Trị.
Theo Wikipedia (từ nhiều nguồn thông tin): Ông chết khi vượt sông tuyến Bến Hải vào Nam, do bộ đội biên phòng Miền Bắc bắn tên tẩm thuốc độc.