NGHĨ THÊM VỀ PHAN CHÂU
TRINH (1872-1905-1926),
NHÀ CÁCH MẠNG QUỐC GIA
CHỦ NGHĨA MỘT TRĂM NĂM TRƯỚC
Trần Xuân An
Cần phải hiểu “bất bạo động” trong văn cảnh câu trích đúng với tinh thần cách mạng
của Phan Châu Trinh. Bất bạo động không có nghĩa là bạo động, dĩ nhiên đã rõ.
Nhưng bất bạo động cũng không phải là im lặng, cúi đầu nhẫn nhục dưới ách thống
trị của thực dân Pháp. Phong trào đấu tranh đòi giảm sưu thuế ở Quảng Nam là một
minh chứng. “Thư thất điều” tố cáo
vua bù nhìn Khải Định là minh chứng thứ hai. Đến khi đã mang bệnh tật, tuổi
chưa cao nhưng sức đã yếu, được Pháp cho về nước, Phan Châu Trinh vẫn diễn thuyết,
hô hào, vận động cho dân quyền, – minh chứng thứ ba. Đó là ba ấn tượng sâu sắc
nhất về Phan Châu Trinh, trên ấn tượng tổng thể về ông là một nhà cách mạng
trong khuôn khổ hợp pháp nhưng vẫn suốt đời bị tù đày, biệt xứ.
Cũng cần hiểu “bất vọng ngoại” dĩ nhiên là không nên, không thể trông mong vào sự
“bảo hộ” giả dối của thực dân Pháp mà đất nước được giàu mạnh, và còn có nghĩa
là không nên, không thể chỉ trông mong vào sự cứu giúp của bất kì cường quốc
nào để chống thực dân Pháp. Trông mong (vọng) như thế khác nào với cái ách trên
cổ ngồi chờ sung rụng! Sự trợ giúp của nước ngoài, nếu có, chỉ có tác dụng một
khi ta có nội lực cách mạng, về tinh thần cũng như vật chất.
Từ đâu dân tộc chúng ta thuở đó có được tinh thần
cũng như vật chất đủ để cách mạng? Phan Châu Trinh xác định: “không gì bằng học”.
Học để duy tân, học theo tinh thần “khai
dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Đó là, khai mở trí óc nhân dân theo kịp
với đà tiến nhân loại, trọng khoa học kĩ thuật – công nghệ, chống học tập kiểu
từ chương, hư văn; hướng theo tinh thần dân quyền, dân chủ; nâng cao ý chí, nghị
lực, sinh khí của dân tộc vốn bị tiêu trầm, tự ti trước nền văn minh cơ khí của
thực dân Pháp và Phương Tây nói chung; nâng cao quyết tâm tiến bộ để giành độc
lập, tự do dân tộc; nâng cao đời sống nhân dân, thoát khỏi cảnh nghèo, để có thực
lực vật chất nhằm giành độc lập, tự do…
Chỉ với nội lực tinh thần và vật chất như thế, nhân
dân ta mới có thể tự chủ và phát huy có hiệu quả nếu có sự trợ giúp của nước
ngoài nào đó, mặc dù ở thời Phan Châu Trinh, chủ nghĩa thực dân Phương Tây đang
hoành hành, Trung Hoa nhà Thanh vẫn hòng chia chác với Pháp đất nước ta, Nhật Bản
đang nuôi mộng phát xít và trong thực tế đã và đang xâm lược bán đảo Triều Tiên
(gồm cả Nam Hàn, Bắc Hàn).
Hiện nay, đất nước ta đứng trước sự xâm lược,
bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, trong đó có biển đảo thuộc chủ quyền
nước ta (Hoàng Sa, Trường Sa), đồng thời Trung Quốc đang lũng đoạn nước ta về
kinh tế, và dĩ nhiên không thể không gây áp lực về chính trị, trong đó có lĩnh
vực nhân sự… Không những thế, Trung Quốc còn cho thấy vai trò điều tiết của
Trung Quốc đối với hai dòng sông quan trọng ở Việt Nam: sông Hồng, sông Cửu
Long (Mê Kông)…
Tuy vậy, nhưng Việt Nam ngày nay và thế giới
ngày nay, đầu thế kỉ XXI, không phải ở thời nửa sau thế kỉ XIX và nửa đầu thế kỉ
XX. Hiện nay, Việt Nam có thể tự lực, tự cường và đủ nội lực để đương đầu với
Trung Quốc. Hiện nay, toàn thế giới đã bước vào thời đại bùng nổ thông tin, thời
đại internet, điện thoại viễn thông toàn cầu… Thời, thế, cơ đã khác trước quá
xa! Do đó, học tập và suy nghĩ về tư tưởng, cuộc đời nhà cách mạng chủ hoà, quốc
gia chủ nghĩa Phan Châu Trinh (1872-1926), không có nghĩa là chúng ta không thấy
được thời, thế, cơ của dân tộc ta, đất nước ta cũng như bối cảnh thế giới hiện nay.
Việt Nam không thể nại lí do gì để khiếp nhược, nhẫn nhục trước Trung Quốc,
không thể nại lí do gì để nhẫn nhục, chịu mất hẳn Hoàng Sa và những bãi, đá
khác như Gạc Ma tại Trường Sa. Phải nhanh chóng thu hồi. Phải nhanh chóng độc lập
về kinh tế, chính trị… Và liệu Việt Nam chúng ta, với trình độ chất xám
và công nghệ hiện đại của mình, đã thử tìm phương án nào để chủ động về nguồn
nước sông Mê Kông, sông Hồng? Hồ chứa? Đập ngăn mặn?...
